Những điều nên biết khi chụp X-quang

X-quang là một loại bức xạ năng lượng cao. Một máy chụp X-quang phát ra các chùm tia X. Các tia X xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch (chất lỏng) trong cơ thể một cách dễ dàng. Tuy nhiên, các mô đặc như xương sẽ cản một số tia X lại. Mô càng đặc (tức đậm độ cao) thì càng cho ít tia X xuyên qua.

Chụp X-quang không gây đau. Bạn không thể nhìn thấy hoặc cảm thấy tia X. Bạn phải đứng yên khi tia X được phát ra, vì nếu không hình chụp sẽ bị mờ.

Hình X-quang thông thường sẽ cho thấy gì?

Xương, răng, gãy xương và các bất thường khác của xương.

- Khe khớp và một số bất thường của ổ khớp, ví dụ như thoái hóa khớp.

- Kích thước và hình dạng của tim. Vì vậy, có thể phát hiện được một số bệnh tim.

- Thay đổi đậm độ mô mềm.

Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng, dễ dàng và có chi phí tương đối thấp. Nó cần thiết để chẩn đoán hoặc để giải quyết các vấn đề khác nhau.

Tuy nhiên, một X-quang thông thường vẫn có mặt hạn chế. Nếu chụp đi chụp lại nhiều lần sẽ có nguy cơ vì tia X sẽ gây tổn thương một số tế bào trong cơ thể. Vì vậy cần tuân theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên môn.

Phụ nữ có thai không nên chụp X-quang khi không thật cần thiết vì có một nguy cơ nhỏ là tia X sẽ gây ra bất thường cho thai nhi. Đây là lý do tại sao phụ nữ trước khi chụp X-quang phải được hỏi rằng có mang thai hay không hoặc có nghi ngờ có thai hay không.